Khi số hóa bản đồ cần chú ý những yêu cầu kỹ thuật nào
Để đảm bảo sự thống nhất của các dữ liệu BĐ số hoá phục vụ cho các mục đích lưu trữ, cập nhật, khai thác khác nhau và để quản lý sử dụng lâu dài thì CSDL BĐ số hóa bản đồ phải được lưu trữ theo mô hình dữ liệu không gian, trong đó các đối tượng không gian tuỳ thuộc vào độ lớn của chúng trong không gian cùng với yêu cầu về tỷ lệ thể hiện mà được biểu thị bằng điểm, đường thẳng, đa giác hoặc vùng khép kín.
Các tệp tin BĐ phải để ở dạng "mở", nghĩa là phải cho phép chỉnh sửa cập nhật thông tin khi cần thiết và có khả năng chuyển đổi khuôn dạng để sử dụng trong các phần mềm BĐ thông dụng khác nhau phục vụ các mục đích khác nhau.
Khi số hoá tuỳ theo điều kiện trang thiết bị, trình độ các kỹ thuật viên cũng như thói quen tiếp cận công nghệ mới của từng đơn vị sản xuất mà ta có thể sử dụng các phần mềm khác nhau như Microstation, I/Geovec, CADMap, Mapinfo, WinGIS...
Nhưng để đảm bảo chuẩn dữ liệu thống nhất thì ngành QLĐĐ đã quy định: Dữ liệu đồ hoạ cuối cùng phải được chuyển về khuôn dạng *.DGN. Do vậy với ngành QLĐĐ khi sử dụng các phần mềm khác cần phải áp dụng tương tự theo cấu trúc có sẵn của môi trường đó.
Nội dung bản đồ sau khi số hoá phải đảm bảo đầy đủ, chính xác, chi tiết như nội dung bản đồ gốc dùng để số hoá (độ chính xác về cơ sở toán học, về vị trí các yếu tố địa vật và độ chính xác tiếp biên không được vượt quá hạn sai cho phép).
Về hình thức trình bày bản đồ số phải thể hiện đúng các yêu cầu về nội dung trong quy phạm và hệ thống ký hiệu hiện hành của Tổng cục địa chính. Do vậy khi biên tập BĐ số phải sử dụng đúng bộ ký hiệu BĐ địa hình số và BĐ chuyên đề ở tỷ lệ tương ứng.
Các đối tượng bản đồ rất phức tạp song chung quy lại chỉ có ba dạng chính, đó là: Điểm, đường, vùng và chữ dùng để mô tả đối tượng.
❖ Yêu cầu khi số hoá các đối tượng:
+ Đối tượng dạng VÙNG:
- Phải thể hiện đúng vị trí hình dạng kích thước của đối tượng
- Vùng phải khép kín đúng theo đường biên của nó và phải hoàn toàn trùng khít ranh giới với những vùng bên cạnh.
- Số hoá đối tượng dạng vùng của cùng một loại đối tượng dùng kiểu ký hiệu pattern, shape hoặc fill color phải là các vùng đóng kín và kiểu đối tượng là đơn hoặc nhiều vùng gộp lại.
+ Đối tượng dạng ĐƯỜNG:
- Các đối tượng dạng đường không được sử dụng những công cụ làm trơn mà phải dùng công cụ vẽ đa giác như polyline, linestring, chain hoặc complex chain
- Lưu ý rằng từ điểm đầu đến điểm cuối của một đối tượng đường phải là một đường liền không đứt đoạn và phải có điểm nút ở những chỗ giao nhau.
+ Đối tượng dạng ĐIỂM:
- Các đối tượng dạng điểm nên thể hiện bằng các ký hiệu đã được thiết kế sẵn mà không nên dùng công cụ vẽ để vẽ đối tượng đó.
- Ví dụ: Ký hiệu nhà độc lập phải dùng ký hiệu (cell) NHDL mà không dùng công cụ vẽ hình chữ nhật để vẽ.